Quảng cáo

Ly kỳ chuyện các nhà phân phối ô tô VN lần lượt "ngã ngựa"

Thứ ba, 22/08/2017 14:16 PM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Vào giữa tháng 8 vừa rồi, công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô đã bị tước quyền nhập khẩu 2 thương hiệu xe sang Jaguar và Land Rover. Trước đó, hàng loạt nhà nhập khẩu xe hạng sang cũng bị phát hiện sai phạm.

Cú sốc Jaguar và Land Rover

Ngày 14/8, theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, sau khi bị Cục Hải quan TP.HCM ấn định, truy thu 719,5 tỷ đồng, Cty CP Tập đoàn Tân Thành Đô (trụ sở tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) đã bị nhà sản xuất tước quyền giấy phép nhập khẩu 2 thương hiệu xe Jaguar và Land Rover.

Trước đó, Cty CP Tập đoàn Tân Thành Đô là nhà phân phối chính hãng 2 thương hiệu xe sang gồm Land Rover, Jaguar tại Việt Nam. Ngày 27/10/2016, Cục Hải quan TP.HCM đã ra quyết định số 816 ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Cty CP Tập đoàn Tân Thành Đô sau khi phát hiện công ty này khai báo trị giá hải quan thấp.

Cơ quan hải quan đã bác bỏ trị giá khai báo của 372 tờ khai đối với mặt hàng xe ô tô hiệu Land Rover và Jaguar nhập khẩu đăng ký từ ngày 31/5/2011 đến 31/5/2016 tại Cục Hải quan TP. HCM và Cục Hải quan Hải Phòng của công ty này.

Tổng số tiền thuế truy thu ấn định 719,5 tỉ đồng, trong đó có 273 tỉ đồng thuế nhập khẩu; 344 tỉ đồng tiền Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và hơn 100 tỉ đồng tiền Thuế giá trị gia tăng (VAT). Sau khi bị truy thu, công ty này đã nộp một phần tiền bị truy thu, đồng thời làm đơn khiếu nại vì không đồng tình với quyết định trên.

Sau khi Tân Thành Đô bị tước quyền nhập khẩu, gần như ngay lập tức đã có một công ty khác là Đại Á tuyên bố thay thế Tân Thành Đô nhập khẩu hai dòng xe hơi sang trọng là Land Rover và Jaguar về Việt Nam.

Đại Á đã được nhà sản xuất và Đại sứ quan Anh quốc tại Việt nam chỉ định là đối tác nhập hai dòng xe sang nói trên thay Tân Thành Đô.

Điều đáng chú ý là hầu hết hệ thống đại lý của Tân Thành Đô đều được Đại Á mua lại và Đại Á có quyền và phải chịu trách nhiệm về kinh doanh, chăm sóc khách hàng đã từng mua Land Rover và Jaguar của Tân Thành Đô theo quy chế toàn cầu của hai hãng xe Anh quốc nói trên.

Phi vụ buôn lậu BMW lớn nhất từ trước tới nay

Cuối tháng 11/2016, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Hải quan tạm dừng thông quan các lô hàng nhập khẩu xe ô tô BMW (trừ đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao); đồng thời Cục Điều tra chống buôn lậu (thuộc Tổng cục Hải quan) cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu đối với Công ty Euro Auto để điều tra theo quy định.

Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công An) vừa khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng là lãnh đạo công ty CP ôtô Âu châu (Euro Auto) về hành vi giả mạo giấy tờ trong nhập khẩu, kinh doanh ô tô BMW.

Trong 3 người bị khởi tố, 2 đối tượng bị bắt tạm giam từ chiều qua (26/4), trong đó có ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc Euro Auto. Trước đó, cuối năm 2016, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại Euro Auto.

Tại cuộc tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu tháng 7 vừa qua, ông Karsten Engel, Tổng giám đốc phụ trách khu vực ASEAN của Tập đoàn sản xuất ôtô - xe máy BMW cho biết đang không thể xuất khẩu ôtô vào Việt Nam từ 7 tháng nay. Hiện có 700 ôtô trị giá 15 triệu euro của hãng này đang bị giữ ở cảng.

Đáp lại mong muốn của phía BMW, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết lô 700 xe đang bị giữ ở cảng khi vào Việt Nam thuế đã được tính thấp hơn giá trị rất nhiều. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện một số giấy tờ giả trong quá trình nhập cảng.

Thủ tướng khẳng định vụ việc không phải do Tập đoàn BMW tại Đức mà là do một số người ở đại lý Việt Nam. Do đó Thủ tướng đề nghị cần thiết phải thay đại lý. Ngoài ra, Chính phủ sẽ điều tra và xử lý nghiêm để đảm bảo môi trường đầu tư, quyền lợi của các bên.

Về hướng giải quyết, trước mắt, Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu Hải quan cho phép Tập đoàn BMW thực hiện bảo dưỡng thiết bị để số 700 ôtô còn lại tại cảng trị giá 15 triệu euro không hư hỏng. Cho đến nay, số phận của BMW thuộc về tay doanh nghiệp nào vẫn chưa được định đoạt.

Mới đây nhất, Công ty Cica Việt Nam Công ty Cica Việt Nam vừa có đơn gửi Sở KH&ĐT Hà Nội xin bổ sung danh mục hàng hóa nhập khẩu phân phối bán buôn, bán lẻ tại Việt Nam, trong đó có mặt hàng ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi, thuộc mã HS 8703. Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng chú ý là theo Giấy chứng nhận đầu tư được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp lần đầu năm 2008 và lần 2 năm 2015 cho Công ty Cica, Cica Việt Nam thuộc sở hữu của Sime Darby Industrial Sdn. Bhd - một thành viên của Tập đoàn Sime Darby Group (Malaysia).

Tập đoàn Sime Darby Group cũng chính Công ty mẹ của Công ty Sime Darby Motor - nhà đầu tư chiếm hơn 90% cổ phần tại Công ty TNHH Ô tô Âu châu (Euro Auto). Trong khi trước đó Cica là 100% vốn nước ngoài, nhưng chỉ có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, dù đã hoạt động 10 năm tại Việt Nam nhưng trong 2 năm gần đây vẫn không phát sinh lợi nhuận lại muốn nhập và phân phối xe đang đặt câu hỏi liệu chăng đây chỉ đơn thuần là hoạt động bình thường và do Cica tự đứng ra?

Việc Cica muốn xin bổ sung danh mục nhập khẩu xe trong thời điểm này làm dấy lên nhiều lo ngại về việc tập đoàn mẹ của Euro Auto đang muốn "giải cứu" lô xe đang bị tạm giữ.

Đến các nhà nhập khẩu Mercedes và Rolls-Royce

Ngoài Tân Thành Đô, Euro Auto trong năm 2016 nhiều công ty nhập khẩu xe sang cũng lần lượt bị truy thu thuế. Cụ thể, tháng 11/2016, Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã ra Quyết định ấn định thuế với hàng hóa nhập khẩu của Công ty cổ phần Ô tô Regal (công ty Regal)– đơn vị phân phối chính hãng thương hiệu xe Rolls-Royce tại Việt Nam với yêu cầu truy thu thêm gần 50 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2016, Mercedes-Benz Việt Nam cũng bị cơ quan chức năng ra quyết định truy thu hơn 100 tỷ đồng tiền thuế. Công ty này sau đó đã nộp đủ số tiền thuế trên và tiếp tục có đơn khiếu nại với quyết định ấn định thuế ban đầu.

Nguồn: Tienphong, Dantri

Author Thethao247.vn Anh Mỹ / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
Quảng cáo
tân thành đô euro auto regal đại á buôn lậu xe ô tô buôn lậu xe bmw nhập khẩu xe jaguar và land rover
Xem thêm